Tại sao mật ong bị đóng đường?

MẬT ONG BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG LÀ GÌ?

Đóng đường hay còn gọi là kết tinh là hiện tượng mật chuyển từ dạng thể lỏng sang thể rắn ở dạng hạt. Khi đó, ở miệng hoặc đáy chai đựng mật ong xuất hiện những lớp trắng đục và cứng, có dạng mịn, sau một thời gian sẽ hình thành nên hạt to và thô hơn. Ngoài ra, hiện tượng này còn có thể xuất hiện ở thân chai, thậm chí là toàn bộ chai mật ong.

Với mỗi loại mật ong khác nhau sẽ có dạng đóng đường khác nhau. Đối với mật ong được ong thợ hút mật từ hoa cao su sẽ đóng đường dạng hạt to, còn với mật ong rừng thì khi đóng đường sẽ là dạng hạt nhỏ và trung bình.

TẠI SAO MẬT ONG BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG?

Xét về mặt bản chất, mật ong đích thực là một loại dung dịch đường với độ siêu bão hòa và đậm đặc hơn so với loại đường bình thường. Hàm lượng đường trong mật ong chiếm đến 75 đến 80% nên rất dễ bị đóng đường hay kết tinh.

Hai thành phần đường hóa học chủ yếu có trong mật ong là đường fructose chiếm 38.5% và còn lại là đường glucose chiếm 30,5%. Khi để mật ong ở trong môi trường có nhiệt độ dưới 20 độ C, hàm lượng đường glucose sẽ tự động tách nước và tạo nên mầm kết tinh, từ đó mật sẽ dần dần chuyển sang dạng mịn và cuối cùng là ở dạng hạt. Theo thời gian dài, lượng đường này sẽ lắng dần xuống dưới đáy và kết tinh trong chai chứa mật ong.

Vậy nên nếu mật ong có lượng đường glucose càng cao thì sự kết tinh hay đóng đường sẽ càng dễ dàng.

MẬT ONG RỪNG CÓ ĐÓNG ĐƯỜNG KHÔNG?

Hầu hết các loại mật ong rừng thường sẽ có hiện tượng bị đóng đường sau một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt khi mật ong khai thác vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ dễ bị đóng đường nếu gặp phải nhiệt độ thấp và không khí lạnh

Đối với những loại mật ong rừng khai thác vào cuối mùa khi những tổ ong đã già, mật ong đã được ong ăn gần hết, chỉ còn sót lại một lượng ít thì mật thường có màu đen sậm, mùi hương rất hắc và rất khó để đóng đường. Khi gặp thời tiết quá lạnh hoặc mật được để lâu từ 2 đến 3 năm, thì mật ong rừng cuối mùa vẫn bị đóng đường.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MẬT ONG ĐÓNG ĐƯỜNG?

  • Do nhiệt độ: Nếu mật ong được bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C thì sẽ rất khó bị đóng đường, khi đó mật sẽ dẻo và đặc lại. Nhiệt độ lý tưởng để mật bị đóng đường là 14 đến 22 độ C. Trên 27 độ C phần kết tinh của mật ong sẽ có hiện tượng tan chảy, ảnh hưởng đến màu sắc và chất lượng mật.

  • Do nguồn hoa: Nguồn mật hoa ong lấy mật cũng quyết định đến việc kết tinh nhanh hay chậm của mật ong. Đối với mật ong lấy từ hoa nhãn hay hoa cà phê sẽ có độ kết tinh chậm hơn so với các loài hoa khác.

  • Do lượng nước trong mật: Mật ong càng đặc thì sẽ đóng đường nhanh hơn so với mật ong loãng.

  • Do phấn hoa sót lại trong mật ong: Trong quá trình khai thác, mât ong nguyên chất sẽ lẫn phấn hoa nên mật sẽ dễ bị đóng đường. Khi mật đã qua xử lý công nghiệp thì việc đóng đường sẽ thấp hơn.

·

MẬT ONG ĐÓNG ĐƯỜNG CÓ TỐT KHÔNG?

Chỉ có mật ong nguyên chất còn chứa đầy đủ các thành phần hóa học của mật và ở trong điều kiện nhiệt độ nhất định thì mới đóng đường. Vậy nên việc đóng đường là hết sức tự nhiên. Bên cạnh đó việc mật ong bị kết tinh chỉ thay đổi màu sắc và kết cấu bên ngoài của mật, không gây ảnh hưởng đến thành phần bên trong và chất lượng của mật ong. Với mật ong kết tinh, bạn hoàn toàn sử dụng một cách bình thường.